Ngoài vấn đề về cơ địa hay tay nghề của bác sĩ nha khoa thì một trong những yếu tố quan trọng nhất, mang tính quyết định đến thời gian lành thương sau khi nhổ răng khôn chính là việc chăm sóc và vệ sinh răng miệng. Nhổ răng khôn xong vệ sinh như thế nào, chế độ ăn uống ra sao và cần lưu ý thêm những gì để đẩy nhanh thời gian lành thương cũng như hạn chế những biến chứng không đáng có sau khi nhổ răng khôn? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn làm rõ tất cả những câu hỏi này!
I. NHỔ RĂNG KHÔN XONG VỆ SINH NHƯ THẾ NÀO?
Trong rất nhiều những thắc mắc liên quan đến răng khôn thì việc nhổ răng khôn xong vệ sinh như thế nào, có khác gì so với vệ sinh răng miệng bình thường không là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm nhất. Trên thực tế thì việc bạn mang một vết thương chưa lành trong khoang miệng, kết hợp với cảm giác sưng đau kéo dài sẽ phần nào khiến việc vệ sinh khó khăn hơn, tuy nhiên đừng vì thế mà lơ là chúng.
Về cơ bản thì việc vệ sinh răng miệng sau khi nhổ răng khôn cũng không khác là mấy so với việc vệ sinh răng miệng thông thường. Bạn chỉ cần tuân thủ đúng 3 nguyên tắc: Làm sạch triệt để – Không tác động quá nhiều đến vùng vết thương – Thực hiện trong khoảng thời gian cho phép.
Một số lưu ý dưới đây sẽ giúp ích phần nào cho bạn trong việc chăm sóc răng miệng tại nhà sau nhổ răng khôn đạt hiệu quả cao nhất:
- Ngay trong ngày đầu tiên khi mới nhổ răng, bạn cần chú ý thay bông gạc theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, thời gian thay bông gạc sẽ dao động từ 40 phút đến 1 giờ (hoặc bất cứ khi nào bạn cảm thấy cần thiết).
- Tất cả các hành động như khạc nhổ, chải răng hay súc miệng nước muối đều không nên thực hiện trong vòng 1 ngày đầu sau khi nhổ răng. Những việc này đều có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu và lành thương.
- Vào ngày thứ 2 sau khi nhổ răng, bạn có thể bắt đầu chải răng, chải lưỡi và vệ sinh khoang miệng, tuy nhiên tránh vùng vết thương. Sau khi chải răng với kem đánh răng, bạn nghiêng đầu để súc miệng với nước về phía bên không có vết thương, sau đó nhổ nước ra ngoài một cách nhẹ nhàng.
- Cho đến khi vết thương đã lành (khoảng sau 5 ngày) thì bạn đã có thể tác động một chút đến vùng mới nhổ răng khôn bằng cách súc miệng với nước muối ấm. Hãy nhớ rằng việc súc miệng vẫn cần nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến vết thương.
- Kết hợp với chỉ nha khoa sau khi ăn nhai sẽ giúp bạn loại bỏ một cách triệt để nhất những mảng bám thức ăn thừa, ngăn chúng không bị rơi vào ổ răng (phần lỗ hổng tạo ra sau khi nhổ răng).
Ngoài việc vệ sinh răng miệng, chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc lành thương. Đây chính là lý do bạn không nên bỏ qua phần bên dưới bài viết ngay bên dưới đây.
II. NÊN ĂN GÌ VÀ KIÊNG ĂN GÌ SAU KHI NHỔ RĂNG KHÔN?
Nhổ răng khôn xong vệ sinh như thế nào và ăn uống ra sao sau khi nhổ răng tưởng chừng là 2 vấn đề khác biệt nhưng thực chất lại liên quan mật thiết với nhau vì chúng cùng quyết định đến thời gian lành thương như đã nói bên trên. Trong những ngày đầu khi mới nhổ răng khôn, chế độ ăn uống của bạn cần một chút thay đổi để phù hợp với tình trạng cụ thể và không làm ảnh hưởng đến vết thương.
♦ Nhóm thực phẩm nên “kết thân” cần đảm bảo yếu tố mềm, dễ nhai nuốt và dinh dưỡng cao để giúp bạn hồi phục sức khỏe tốt nhất sau ca nhổ răng. Tham khảo một số gợi ý như:
+ Các loại cháo, súp mềm
+ Sữa hoặc sữa chua (không quá lạnh)
+ Các loại rau xanh hoặc củ (đã cắt nhỏ, luộc chín kỹ)
+ Các loại trái cây mềm, không chua và có độ ngọt vừa phải
+ Sinh tố trái cây hoặc nước ép trái cây
+ Trứng, thịt đỏ, thịt trắng… (thịt cần xay nát và nấu nhừ)
…
♦ Hạn chế tối đa hoặc tránh hoàn toàn các thực phẩm mang tính nóng, chua, axit cao, nhiều mảnh vụn hay quá dai dính. Cụ thể như:
+ Các loại nước trà, cà phê, rượu, bia, nước ngọt
+ Các loại thực phẩm quá ngọt
+ Thịt bò rất bổ nhưng nên hạn chế vì chúng khá dai và khi nhai chúng, bạn cần lực nhai lớn hơn bình thường.
+ Khoai tây chiên, bánh quy, hạt rắc… đều gây ra quá nhiều mảnh vụn trong khoang miệng.
+ Nhóm đồ ăn cay (hoặc có chứa nguyên liệu cay)
+ Những đồ ăn dai dính như bánh giầy giò, bánh bột nếp…
…
III. MỘT SỐ ĐIỀU CẦN NHỚ SAU KHI NHỔ RĂNG KHÔN
Đừng chỉ quan tâm đến việc nhổ răng khôn xong vệ sinh như thế nào hay chế độ ăn uống, bạn cần TUYỆT ĐỐI TUÂN THỦ những lưu ý sau khi nhổ răng nói chung và nhổ răng khôn nói riêng sau đây:
- Không dùng tay, lưỡi hay vật nhọn chọc vào vùng vết thương mới nhổ răng
- Có thể giảm đau tại nhà bằng cách chườm lạnh bên ngoài má, nhưng không chườm trực tiếp lên vùng lợi mới nhổ răng.
- Các hành động như hắt xì, ho, xì mũi đều có thể gây áp lực lên vùng răng mới nhổ, nếu có thể bạn hãy hạn chế tối đa những việc này.
- Đừng dùng bàn tay mình ôm lấy vùng mới vừa nhổ răng vì như vậy sẽ làm vùng vết thương nóng lên và tăng cảm giác đau hơn bình thường.
- Sau khoảng 2 ngày, có thể thực hiện chườm nóng bên ngoài để tăng lưu thông máu và bớt sưng mặt.
- Hãy nghỉ ngơi thật nhiều, dừng mọi hoạt động nặng liên quan đến chân tay ít nhất trong vòng 1 ngày sau khi nhổ răng. Việc này giúp hồi phục sức khỏe tốt hơn, tạo điều kiện cho máu đông và chữa lành lợi.
- Theo dõi thật sát sao vùng vết thương, nếu thấy bất cứ biểu hiện gì bất thường (như chảy máu kéo dài hay đau nhức kéo dài, dữ dội theo chiều hướng tăng dần) thì hãy liên hệ với bác sĩ nha khoa hoặc trực tiếp đến nha khoa ngay để được thăm khám và khắc phục kịp thời.
Hi vọng qua bài viết, bạn đã hiểu hơn về việc nhổ răng khôn xong vệ sinh như thế nào cũng như chế độ ăn uống và chăm sóc răng miệng tại nhà. Việc tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ nha khoa không chỉ đẩy nhanh quá trình lành thương mà còn giúp bạn tránh được những biến chứng nguy hiểm (như nhiễm trùng hay viêm ổ răng khô) thường gặp sau nhổ răng, đặc biệt là những vị trí răng khó nhổ như răng khôn.
🔷 Bài viết liên quan: Nhổ răng khôn bao lâu thì lành?