Tật đẩy lưỡi được xếp vào nhóm thói quen xấu và có thể gây ra những rắc rối nghiêm trọng trong khuôn hàm của bạn. Vậy nó xuất phát từ nguyên nhân nào, ảnh hưởng của nó ra sao và phải làm thế nào để khắc phục tình trạng này hiệu quả?
1/ Tật đẩy lưỡi xuất phát từ nguyên nhân nào?
Tật đẩy lưỡi là thói quen đặt sai vị trí lưỡi khi nhai nuốt hoặc trong quá trình giao tiếp hàng ngày. Tật xấu này thường được hình thành từ lúc còn nhỏ và thường khó nhận ra, chính vì thế mà nó sẽ duy trì đến lúc trưởng thành. Đây là thói quen trong vô thức nên cũng rất khó để có thể khắc phục triệt để nếu chỉ dựa vào sự tự điều chỉnh của bản thân.
Chưa có quá nhiều nghiên cứu chuyên sâu về nguyên nhân gây ra tật xấu này, tuy nhiên các chuyên gia cũng nhận định một số nguyên nhân đáng nghi nhất bao gồm:
🔹 Vùng lưỡi có kích thước lớn hơn bình thường (lưỡi lớn bất thường)
🔹 Lưỡi dính hoặc thắng lưỡi (phanh lưỡi) bám thấp
🔹 Do các thói quen xấu như mút tay, mút môi, sử dụng núm vú giả sai cách, cắn đồ vật, thở miệng…
🔹 Mất răng cửa sữa sớm do bệnh lý khiến lưỡi có xu hướng đưa về vùng răng mất để bít lại khoảng trống
🔹 Chứng loạn dưỡng cơ (Muscular Dystrophy), bệnh thần kinh hoặc các bất thường khác về sinh lý
🔹 Do stress trong thời gian dài hoặc chấn thương tâm lý bất ngờ
Tật xấu này chỉ có thể được xác định một cách chính xác nhất nhờ vào bác sĩ nha khoa hoặc các bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn cao.
2/ Ảnh hưởng của hành động đẩy lưỡi trong khoang miệng
Dù xuất phát từ bất cứ nguyên nhân nào, tật đẩy lưỡi cũng đều ra những biến chứng khó lường. Nhiều người cho rằng lưỡi là mô mềm và lực mà nó tạo ra không đáng kể để làm thay đổi khuôn hàm. Tuy nhiên điều này là hoàn toàn sai lầm!
Sự thật là ở người bình thường, tác động nuốt sẽ dao động từ khoảng 1000 – 2000 lần/ngày, 1 tác động nuốt sẽ tạo ra lực đẩy khoảng 1800g (4 pound) và bạn có thể dễ dàng hình dung được con số khổng lồ về lực đẩy của lưỡi 1 ngày trong khoang miệng bạn.
Thói quen đẩy lưỡi thường ở những vị trí khác nhau như đẩy ra phía trước, đẩy ra bên trái hoặc đẩy ra bên phải. Những biến chứng khó lường của tật xấu này bao gồm:
💢 Khớp cắn hở phía trước: Nhóm răng phía trước ở cả 2 hàm bao gồm cả răng cửa, răng cửa phụ và răng nanh không thể khép vào với nhau và tạo nên một khoảng hở ở phía trước. Nhóm răng sau vẫn có thể tiếp xúc được với nhau.
💢 Khớp cắn hở bên trái – bên phải hoặc cả 2 bên: Khác với cắn hở phía trước, ở trường hợp này nhóm răng sau (răng hàm và tiền hàm) bên trái – bên phải hoặc cả 2 bên sẽ không thể khép lại với nhau. Nhóm răng trước vẫn có thể tiếp xúc với nhau.
💢 Khớp cắn hở kết hợp (cả đằng trước và cả 2 bên): Toàn bộ phần răng trước và 2 bên hàm chỉ chạm nhau duy nhất ở 1 – 2 điểm ở những răng cối phía trong cùng.
💢 Đẩy răng phía trước: Đây là tình trạng nhóm răng phía trên bị lưỡi đẩy nhô ra ngoài trong khi nhóm răng hàm dưới bị kéo vào.
💢 Đẩy răng kết hợp trước – sau: Đây là tình trạng nhô cả hàm răng phía trên và phía dưới.
Ngoài những tình trạng kể trên, hành động đẩy lưỡi kéo dài còn khiến cho vùng lưỡi bị tổn thương và yếu đi rất nhiều. Việc phát âm cũng vì thế mà bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
3/ Làm thế nào để khắc phục tật đẩy lưỡi triệt để?
Như đã nói, tật đẩy lưỡi là một thói quen trong vô thức và để có thể điều trị triệt để sẽ cần đến rất nhiều sự quyết tâm của bạn. Tật xấu này có thể được kiểm soát bằng cách luyện tập các bài tập lưỡi và kết hợp với sử dụng khí cụ hỗ trợ.
Các bài tập lưỡi nếu thực hiện đúng cách sẽ mang lại hiệu quả lớn, tuy nhiên điều này lại khá phức tạp, đặc biệt là đối với trẻ em. Bạn nên tìm đến các bác sĩ có chuyên môn để được tư vấn và giám sát động tác. Khi xác định được động tác chuẩn xác, bạn chỉ cần thực hiện tập luyện tại nhà cho đến khi loại bỏ được hoàn toàn thói quen đặt lưỡi sai cách.
Thời gian tập luyện cho đến khi quen với những thói quen tốt thường cần rất nhiều thời gian và ban đầu nó cũng gây ra những rào cản nhất định trong quá trình ăn nhai hay giao tiếp. Tuy nhiên đừng nản chí mà bỏ cuộc giữa chừng.
Ngoài ra, sự giám sát của bác sĩ là thực sự cần thiết. Bạn không thể chỉ học theo những động tác trên mạng hay dựa vào cảm giác của bản thân để thực hiện vì tình trạng của mỗi người là khác nhau.
Thời gian đầu khi chưa quen với các thao tác lưỡi đúng và đôi lúc bạn còn thực hiện vô thức thói quen cũ thì nên kết hợp với các khí cụ chuyên dụng như nút chặn lưỡi đặt vào mặt trong răng cửa hàm trên, hàng rào chặn lưỡi, hoặc thanh khẩu cái hỗ trợ tập lưỡi…
Đối với các trường hợp tật đẩy lưỡi đã gây ra các biến chứng trên khuôn hàm như đã nêu ở trên phần 2, bạn cũng cần thực hiện tập luyện thuần thục các bài tập lưỡi đúng cách trước khi điều trị khớp cắn sai lệch. Nếu sau khi điều trị hoàn thành sai khớp cắn mà tật xấu đẩy lưỡi vẫn duy trì thì chắc chắn khớp cắn sẽ lại bị lệch lạc như ban đầu.
Mọi thắc mắc liên quan đến các vấn đề nha khoa, bạn vui lòng liên hệ đến hotline 024.3747.8292 để được tư vấn chi tiết!