Cùng nằm trong nhóm bệnh lý răng miệng phổ biến nhưng u nang chân răng hay nang chân răng lại là cụm từ xa lạ với khá nhiều người. Bệnh được các chuyên gia nha khoa đánh giá cao về sự nguy hiểm cũng như những biến chứng mà nó gây ra, cảnh báo về nguy cơ mất răng hàng loạt nếu bạn tiếp tục chủ quan. Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu chi tiết về tình trạng này, biết được dấu hiệu và có hướng xử lý kịp thời trước khi nó gây ra những hậu quả đáng tiếc.
1/ Nang chân răng là gì?
Nang chân răng là một trong những dạng nhiễm trùng thường gặp trong khoang miệng, phát triển từ sâu răng, tủy răng viêm hoặc chóp răng viêm. Phần nang này đè ép vào xương hàm, chứa độc tố gây tiêu xương răng.
Nang thường gặp nhất ở vùng răng cửa hàm trên, những vị trí khác cũng có khả năng hình thành nang nhưng ít hơn. Chúng phát triển 1 cách âm thầm, không hoặc rất ít gây đau nhức hay bất cứ triệu chứng đáng ngờ nào cho đến khi sưng phồng hoặc nhiễm trùng thì người bệnh mới biết được sự có mặt của chúng.
2/ Dấu hiệu nhận biết bệnh chuẩn xác nhất
Như đã nói, nang chân răng rất khó phát hiện và khi phát hiện được thì nhiều người lại có thể nhầm lẫn nó với triệu chứng của những bệnh lý răng miệng khác. Chúng tôi sẽ thông tin đến bạn một số thông tin cơ bản giúp bạn có thể nhận biết được triệu chứng của bệnh trong thời gian sớm nhất:
+ Răng có sự đổi màu nhẹ, tình trạng này rất khó phát hiện và nó cũng là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo về sự xuất hiện của u nang trong xương hàm.
+ Khi bệnh phát triển nặng, nang sẽ khiến phần xương hàm bị phồng lên, biến dạng mặt nhưng rất ít hoặc không có cảm giác đau nhức.
+ Dùng tay sờ vào vùng nang sưng sẽ thấy cứng nếu nang còn nhỏ và thấy mềm nếu nang to và đã phá vỡ vỏ xương để lan ra phần mềm.
+ Các răng kế cận có thể xảy ra hiện tượng lung lay
+ Nếu nang ở vùng môi dưới sẽ gây tê môi nhẹ (do nang to chèn vào ống răng dưới)
Trên thực tế, những mẹo nhận biết này có tính chính xác không cao, bạn khó có thể tự chẩn đoán được tình trạng của mình tại nhà. Nang chân răng cần được phát hiện một cách chính xác thông qua việc chụp Xquang.
Nếu bạn đang bị nang chân răng, hình ảnh Xquang sẽ hiển thị một vùng sáng có hình tròn hoặc hình oval dính với 1 phần chân răng – vùng sáng này có đường viền xơ rõ ranh giới với xương hàm vẫn lành lặn. Tuy nhiên, nếu nang nhiễm khuẩn thì ranh giới này trở nên không rõ ràng vì có sự giãn mạch do viêm và sự tiêu xương xung quanh.
Bác sĩ sẽ giúp bạn phân tích chi tiết về kết quả phim chụp cũng như tình trạng nang của bạn.
3/ Nang chân răng có nguy hiểm không?
Nang chân răng được xếp vào nhóm bệnh nguy hiểm và gây nhiều ảnh hưởng. Tuy không gây đau nhức quá nhiều như những bệnh khác nhưng “sức công phá” của nó lại rất mạnh, đặc biệt là đối với vùng xương hàm.
Những biến chứng bạn sẽ có thể phải đối mặt nếu không điều trị tình trạng này kịp thời bao gồm:
+ Phá hủy mô quanh chóp răng
+ Gây tiêu xương răng tại vùng có nang và những chân răng lân cận
+ Biến dạng xương hàm gây lép vùng mặt (cằm hoặc má)
+ Cản trở các chức năng vốn có của khuôn hàm bao gồm ăn nhai và phát âm
+ Làm mất răng vĩnh viễn hoặc có thể dẫn đến tình trạng mất răng theo dây chuyền
4/ Giải pháp điều trị nang ở chân răng
Điều trị nang chân răng là một trong những phương pháp cơ bản trong nha khoa, tuy nhiên nó cũng yêu cầu khá cao về quy trình chẩn đoán, điều trị và tay nghề của bác sĩ. Dựa vào tình trạng cụ thể của nang mà bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị thích hợp.
Thông thường, việc điều trị nang chân răng sẽ chia làm 2 trường hợp:
Trường hợp 1: Nếu nang nhỏ, xương ổ răng còn đủ và phần chân răng dự kiến cắt không quá 1⁄3 chân răng thì có thể giữ lại răng đó. Bác sĩ sẽ thực hiện điều trị tủy răng, hàn kỹ các ống tủy, cắt bỏ cuống răng, lấy bỏ hết vỏ nang răng.
Trường hợp 2: Nếu nanh đã phát triển to, khiến các răng đã lung lay nhiều và tiêu xương quá 1⁄3 chân răng thì răng sẽ được nhổ bỏ kết hợp lấy bỏ vỏ nang.
ĐỐI VỚI LỖ HỔNG TRONG XƯƠNG HÀM SAU KHI LẤY NANG RĂNG: nếu lỗ hổng nhỏ thì không cần can thiệp, chỗ khuyết đó sẽ được cơ thể tự bù đắp bằng tổ chức xơ hoặc biểu mô hóa. Nếu lỗ khuyết lớn, bác sĩ có thể trám bít bằng các vật liệu tự thân như vạt cơ, xương,.. hoặc các vật liệu nhân tạo như cacbon, xi măng,…
Sau khi điều trị kết thúc, bạn cần làm đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ về việc ăn nhai cũng như dùng thuốc uống để vết thương nhanh lành, tránh những biến chứng không đáng có. Ngoài ra, để ý nhiều hơn đến vết thương chưa lành, nếu có bất thường cần đến bác sĩ điều trị ngay.
Nang chân răng không thể tự khỏi nếu không có sự can thiệp của bác sĩ. Việc điều trị sớm sẽ rút ngắn được thời gian cũng như chi phí và ngăn được những biến chứng không mong muốn. Chính vì thế ngay từ khi thấy những dấu hiệu bất thường trong khoang miệng, hãy đến nha khoa ngay để được thăm khám và có biện pháp điều trị bệnh sớm nhất!