Viêm nha chu không chỉ gây đau nhức hay rắc rối trong quá trình ăn nhai hằng ngày mà nó còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là đối với bà bầu. Vậy nguyên nhân nào khiến bà bầu bị viêm nha chu, nó nguy hiểm ra sao và điều trị ra sao hiệu quả nhất?
1/ Tại sao bà bầu hay bị các bệnh răng miệng?
Sự thay đổi về lượng hoocmon cũng như chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của bà bầu cũng kéo theo đó là sự thay đổi trong khoang miệng. Hàng loạt các bệnh lý nha khoa luôn là nỗi ám ảnh của bà bầu, đặc biệt là viêm nha chu.
Nguyên nhân khiến bà bầu bị viêm nha chu cụ thể như sau:
+ Thay đổi nội tiết tố: Khi mang thai, lượng estrogen và progesterone trong cơ thể người phụ nữ tăng lên rõ rệt và sự thay đổi này sẽ thúc đẩy phản ứng viêm. Thực tế chứng minh rằng ngay cả khi việc vệ sinh răng miệng tốt nhất có thể và kiểm soát được mảng bám trong khoang miệng thì nguy cơ bị viêm nha chu (hay các bệnh lý răng miệng) ở bà bầu vẫn cao hơn nhiều so với người bình thường.
+ Nhu cầu ăn uống thay đổi: Khoảng 60% phụ nữ cho rằng khẩu vị của họ bị thay đổi rất nhiều trong thời gian mang thai, đồ ngọt và đồ chua luôn là ưu tiên hàng đầu trong thực đơn hàng ngày. Bên cạnh đó, lượng thức ăn nạp vào cơ thể trong thời gian mang thai cũng nhiều hơn bình thường nên khoang miệng của bạn sẽ phải chịu áp lực khá lớn.
+ Biểu hiện ốm nghén: Dù chỉ diễn ra trong một vài tháng đầu khi mới mang thai nhưng những hành động như ợ chua hay nôn đều khiến cho men răng và các mô mềm trong khoang miệng bị tác động và dẫn đến viêm nhiễm.
+ Chăm sóc răng miệng chưa đúng cách: Sự mệt mỏi do ốm nghén hay sự nặng nề của cơ thể có thể khiến bạn trở nên “lười” với tất cả mọi việc, kể cả chăm sóc răng miệng cơ bản. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra viêm nha chu.
2/ Bà bầu bị viêm nha chu có nguy hiểm không?
Bạn có thể nhận biết viêm nha chu thông qua một số biểu hiện như: cảm giác đau nhức, ăn nhai khó khăn, lợi sưng đỏ, dễ chảy máu, xuất hiện túi nha chu ở chân răng, miệng có mùi hôi khó chịu, xuất hiện tụt lợi chân răng khiến răng bị lung lay và thưa dần.
Viêm nha chu nguy hiểm hơn rất nhiều so với viêm lợi thông thường, nhất là khi nó xảy ra với bà bầu. Bà bầu bị viêm nha chu không thực hiện kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng khó lường.
+ Tăng nguy cơ tiền sản giật: Viêm nhiễm là một trong những yếu tố quan trọng trong việc gây ra tiền sản giật (hoặc các triệu chứng liên quan) – một bệnh đáng sợ mà không bà bầu nào muốn gặp phải vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cả mẹ và bé, đặc biệt là các nguy cơ như phù não, suy thận cấp, rối loạn động máu, vỡ gan, suy tim cấp, suy gan, thai chậm phát triển, thai chết lưu, sinh non.
+ Sinh non: Vi khuẩn từ vị trí nhiễm trùng trong khoang miệng có thể nhắm vào nhau thai và xâm nhập vào khoang ối, gây sinh non (trước 37 tuần tuổi thai). Sinh non là nguyên nhân chính gây tử vong và bệnh tật ở trẻ sơ sinh trong suốt quá trình trưởng thành sau này.
+ Tăng nguy cơ bệnh lý: Viêm nha chu ở bà bầu cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng như tim mạch, đột quỵ, tiểu đường và xơ vữa động mạch.
+ Nguy cơ mất răng: Khi viêm nhiễm quá nặng, phá hủy toàn bộ hệ thống nha chu nâng đỡ răng thì việc răng bị gãy rụng là hoàn toàn dễ hiểu. Mất răng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc ăn nhai hàng ngày mà còn gây ra tình trạng tiêu xương hàm nguy hiểm.
3/ Những yếu tố đảm bảo an toàn khi điều trị viêm nha chu cho bà bầu
Bà bầu bị viêm nha chu cần được nhận biết sớm và có kế hoạch điều trị phù hợp, việc kéo dài không điều trị hay điều trị sai cách đều có thể gây ra nguy hiểm. Những yếu tố đảm bảo an toàn cho 1 ca điều trị bao gồm:
+ Sử dụng kháng sinh đúng cách: Kháng sinh không thể sử dụng tùy tiện trong thời gian đang mang bầu, bạn cần sự tư vấn của cả bác sĩ nha khoa và bác sĩ sản khoa cho từng loại thuốc sử dụng để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
+ Xác định thời điểm điều trị an toàn: Trong 9 tháng của thai kỳ, 3 tháng đầu và 3 tháng cuối được đánh giá là thời điểm “nhạy cảm” nhất. 3 tháng giữa là thời điểm thai nhi ổn định và nếu có thực hiện các điều trị sẽ được chỉ định và khoảng thời điểm này. Tuy nhiên, việc điều trị cụ thể ra sao sẽ được bác sĩ lên kế hoạch dựa vào tình trạng cụ thể, việc của bạn chỉ là chủ động liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt ngay khi thấy những biểu hiện bất thường.
+ Điều trị “vô khuẩn” 100%: Đây là yếu tố điều trị an toàn không chỉ với bà bầu mà với mọi bệnh nhân. Vấn đề lây nhiễm chéo trong nha khoa sẽ được ngăn chặn hoàn toàn nếu toàn bộ dụng cụ, thiết bị thăm khám đều được vô khuẩn đúng cách.
+ Bác sĩ có chuyên môn: Bác sĩ nha khoa cần phải nắm được toàn bộ các yếu tố liên quan đến tình trạng nha chu cũng như tình trạng sức khỏe của bà bầu, biết được nên thực hiện điều trị bệnh tức thì hay đình chỉ sự phát triển của bệnh để chờ thời điểm an toàn trong thai kỳ để điều trị.
Hi vọng bài viết đã giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về tình trạng bà bầu bị viêm nha chu. Để được tư vấn cụ thể về quy trình điều trị, bạn có thể liên hệ trực tiếp đến hotline 024.3747.8292 của Nha khoa Navii để được hỗ trợ!