Những chiếc răng đầu đời xuất hiện trên khuôn hàm bé thường rất yếu và dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau. Hàng loạt những vấn đề răng miệng của bé luôn khiến cha mẹ lo lắng, trong đó nổi bật là tình trạng răng sữa bị đen. Đây là tình trạng phổ biến nhưng phần lớn các bậc phụ huynh đều chưa hiểu hết về nguyên nhân, sự ảnh hưởng cũng như xử trí đúng cách.
1/ Nguyên nhân nào khiến răng sữa bị đen?
Răng sữa của bé khi khỏe mạnh thường có màu trắng nhạt hoặc trắng ngà, tuy nhiên khi có những tác động hoặc thay đổi trong thời gian ngắn thì màu sắc răng sẽ có những thay đổi nhất định. Răng sữa bị đen xuất phát từ những nguyên nhân sau:
+ Sâu răng
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây tình trạng đổi màu răng của bé. Ban đầu, trên thân răng xuất hiện những chấm tròn nhỏ màu trắng sữa, sau đó chúng chuyển dần sang màu đen. Trẻ em là đối tượng dễ bị sâu răng nhất vì những thói quen xấu của mình, chính vì thế nếu thấy xuất hiện màu đen bất thường trên thân răng bé kèm theo tình trạng đau nhức, chán ăn hay hôi miệng thì bạn nên đưa bé đến nha khoa để kiểm tra và điều trị kịp thời.
+ Vệ sinh răng miệng không tốt
Những đồ ăn hàng ngày của bé đều có khả năng dắt lại vào kẽ răng và nếu không được làm sạch triệt để lâu dần sẽ hình thành cao răng. Lượng cao răng càng lớn sẽ gây ra bệnh răng miệng cho bé, gây chảy máu, chảy mủ và ngấm lại vào cao răng khiến chúng chuyển sang màu đen.
Cao răng dù là màu gì cũng đều là “kẻ thù” đối với răng miệng của bé, là tác nhân gây ra hàng loạt bệnh răng miệng nguy hiểm và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của răng vĩnh viễn sau này.
+ Di truyền từ bố mẹ
Thông thường nếu men răng của bố hoặc mẹ có chất lượng không tốt thì khả năng cao con sẽ bị di truyền. Men răng yếu thường có biểu hiện là màu răng bị xỉn, không đều màu và thậm chí là chuyển sang màu đen xấu xí.
Men răng yếu không chỉ khiến màu răng bị ảnh hưởng mà việc ăn nhai cũng sẽ khó khăn hơn. Bé thường xuyên cảm thấy đau nhức và nhạy cảm đặc biệt khi ăn đồ ăn quá nóng hay quá lạnh.
+ Ảnh hưởng từ việc sử dụng thuốc kháng sinh
Nếu thời gian mang bầu người mẹ sử dụng quá nhiều kháng sinh sai cách hoặc khi chào đời bé cũng phải sử dụng quá nhiều kháng sinh điều trị (đặc biệt là tetracyclin) thì khả năng cao răng sẽ bị nhiễm màu. Màu kháng sinh thường đen xỉn và không có cách nào có thể tẩy trắng được.
2/ Răng sữa bị đen có ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn sau này không?
Không chỉ gây ra tâm lý và ảnh hưởng nhiều đến việc ăn nhai của bé, mọi nguyên nhân gây ra tình trạng răng sữa bị đen còn là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển răng vĩnh viễn sau này nếu chúng không được điều trị đúng cách.
Đối với trường hợp răng bị sâu hay cao răng nhiều quá mức có thể dẫn đến mất răng hoàn toàn. Răng sữa không chỉ giữ chức năng ăn nhai mà nó còn là vị trí giữ khoảng trên cung hàm cho răng vĩnh viễn mọc lên đúng chỗ sau này, ngoài ra nó còn thông qua hoạt động ăn nhai của mình để kích thích sự phát triển của xương hàm.
Răng sữa mất sớm hơn thời điểm thích hợp sẽ khiến răng bên cạnh nghiêng vào khoảng trống mất răng và khi răng vĩnh viễn mọc lên cũng sẽ theo hướng khấp khểnh, nghiêng lệch như vậy.
Đối với tình trạng răng đen do nhiễm màu kháng sinh thì sẽ rất khó điều trị, màu răng này sẽ theo bạn cả đời và không dễ dàng gì có thể tẩy trắng được chúng. Thông thường, chỉ có cách bọc răng sứ hoặc dán mặt sứ mới khắc phục được.
3/ Phải làm gì khi răng sữa của bé chuyển màu đen?
Răng sữa bị đen là biểu hiện của những bất thường đang diễn ra trong khuôn miệng bé và bạn cần đưa bé đến gặp bác sĩ nha khoa trong thời gian sớm nhất để được thăm khám và tìm biện pháp điều trị kịp thời.
Nếu răng mới chỉ chớm sâu bệnh thì việc điều trị sẽ khá đơn giản, hơn nữa còn có thể bảo tồn được nguyên vẹn răng thật cho bé, đảm bảo ăn nhai và không gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển răng vĩnh viễn sau này.
Bên cạnh việc điều trị, bạn cũng cần chú ý đến chế độ ăn nhai cũng như vệ sinh răng miệng của bé để tránh bệnh tình quay trở lại. Bé sẽ có những thói quen xấu nếu không được định hướng ngay từ đầu, vì thế bạn nên giúp bé “yêu răng miệng” ngay từ những thói quen nhỏ nhất.
Việc khám răng miệng định kỳ tại nha khoa là rất cần thiết, nếu người trưởng thành cần khám răng định kỳ sau mỗi 4 – 6 tháng thì lịch khám của bé cần đực rút ngắn hơn – khoảng 2 – 3 tháng/lần. Khám răng không chỉ kiểm soát được tình trạng răng miệng mà còn giúp bé hiểu tầm quan trọng của hàm răng và “đối xử” với chúng tốt hơn.
Răng sữa bị đen cần được điều trị sớm trước khi chúng gây ra biến chứng nguy hiểm. Hãy liên hệ cho bác sĩ nha khoa hoặc đưa bé đến trực tiếp nha khoa để được thăm khám và có biện pháp khắc phục phù hợp.