Không chỉ ở vị trí răng khôn, sau khi nhổ răng ở bất cứ vị trí nào trên khuôn hàm cũng đều để lại 1 lỗ hổng – điều này là hoàn toàn bình thường. Vậy nhưng nhiều người vẫn thắc mắc về những vấn đề xung quanh phần lỗ sau khi nhổ răng khôn và loay hay chưa biết chăm sóc chúng sao cho đúng cách. Tất cả sẽ được giải đáp thông qua bài viết bên dưới đây.
1/ Lỗ hổng sau khi nhổ răng khôn bao lâu thì lành?
Sau khi nhổ răng, phần lợi sẽ xuất hiện một khoảng trống bằng vị trí chân răng vừa nhổ, răng càng to thì để lại lỗ càng lớn. Lỗ hổng sau khi nhổ răng khôn được đánh giá là lớn nhất trên khuôn hàm do kích thước của chiếc răng này và vị trí khó nhổ, cần tách lợi nhiều hơn so với răng bình thường.
Thời gian lành thương và thời gian lỗ hổng sau khi nhổ răng được lấp đầy sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thông thường, vết thương sau nhổ răng sẽ khỏi sau khoảng 5 – 7 ngày (có trường hợp 2 tuần) – điều này tức là bạn sẽ không còn cảm giác đau nhức, khó chịu ở vị trí nhổ răng.
Còn về phần lỗ hổng, chúng vẫn còn và có thể phải mất từ 3 – 4 tháng để có thể được lấp đầy. Thời gian này sẽ còn phụ thuộc vào các yếu tố như: kỹ thuật nhổ răng của bác sĩ, độ khó của răng, tỉ lệ rạch nướu ban đầu, tuổi và cơ địa của người bệnh…
Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng với lỗ hổng để lại sau khi nhổ răng khôn, chúng là hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường và không gây ra cảm giác gì. Bạn chỉ cần chú ý một chút đến việc chăm sóc răng để chúng không trở thành “ổ chứa vi khuẩn” gây hại trong khoang miệng.
2/ Chăm sóc đúng cách sau khi nhổ răng khôn
Tuy không gây ra tác hại gì nhưng lỗ hổng sau khi nhổ răng khôn nếu không được vệ sinh đúng cách, chúng sẽ trở thành tác nhân gây ra một loạt vấn đề trong khoang miệng. Lỗ trũng xuống sẽ trở thành nơi đọng mảng bám và thức ăn thừa, rất khó để có thể loại bỏ chúng ra ngoài.
Để có thể loại bỏ hết những nguy cơ biến chứng không mong muốn, bạn cần lưu ý những điều sau:
+ Việc vệ sinh răng miệng vẫn cần được duy trì kể cả khi vết thương chưa lành hẳn, khi chải răng hãy tránh vùng vết thương này ra nhưng vẫn cần đảm bảo làm sạch triệt để các mảng bám thức ăn ra khỏi khoang miệng.
+ Súc miệng bằng nước muối loãng vào khoảng 1 – 2 ngày sau khi nhổ răng (không súc miệng nước muối khi vết thương chưa cầm máu).
+ Kết hợp chỉ nha khoa hoặc tăm nước để làm sạch kẽ răng.
+ Nên nhai ở phía hàm đối diện với vị trí răng khôn vừa nhổ, điều này vừa tránh gây áp lực cho vết thương, vừa hạn chế được vụn thức ăn bị rơi vào phần lỗ hổng.
+ Đối với vụn thức ăn đọng lại trong lỗ nhổ răng, bạn có thể sử dụng bơm tiêm để làm sạch. Phương pháp này có thể làm sạch triệt để nhưng đồng thời cũng có thể kéo theo nguy cơ tổn thương nếu bơm không đúng cách, bơm sai góc độ hoặc để dòng nước mạnh xịt thẳng vào hốc răng.
3/ Những việc không nên làm sau khi nhổ răng khôn
Bên cạnh việc chăm sóc vùng lỗ hổng sau khi nhổ răng khôn đúng cách, bạn cũng cần chú ý tránh những hành động sau:
+ Không dùng lưỡi, ngón tay hoặc vật nhọn tác động đến vùng lỗ nhổ răng để cố lấy mảng bám thức ăn ra ngoài.
+ Không súc miệng bằng nước muối khi mới nhổ răng xong hoặc khi chưa cầm được máu.
+ Nên tránh ăn nhai đồ ăn cứng, dai hoặc nhiều mảnh vụn (vì chúng có thể rơi xuống lỗ nhổ răng nhiều hơn)
+ Hạn chế dùng ống hút vì phải tạo lực hút trong miệng và gây ra tình trạng chảy máu nhiều hoặc máu không đông.
+ Những đồ uống có chứa caffeine, thuốc lá, rượu bia, chất kích thích đều nên tránh tuyệt đối trước khi vết thương chưa lành
+ Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh các hoạt động mạnh (khuân vác, chơi thể thao) hoặc cười nói quá nhiều.
4/ Những dấu hiệu cho thấy vùng lỗ hổng bị nhiễm trùng sau thời gian nhổ răng khôn
Nhổ răng khôn để lại lỗ cũng như tình trạng đau nhức kéo dài 5 – 7 ngày là điều hoàn toàn bình thường, bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu thấy những dấu hiệu bất thường xung quanh khu vực lỗ hổng như dưới đây, bạn chắc chắn sẽ cần liên hệ ngay với bác sĩ nha khoa để được kiểm tra trong thời gian sớm nhất. Cụ thể:
+ Xuất hiện cơn đau dài dẳng với cường độ đau tăng dần, càng ngày càng dữ dội hơn
+ Máu vẫn chảy ra liên tục ở những ngày tiếp theo, thậm chí còn kèm theo mủ
+ Có hiện tượng sưng tấy nghiêm trọng đi kèm với sốt nhẹ, không thể há miệng bình thường
+ Mùi hôi miệng khó chịu phát ra từ vị trí lỗ hổng mới nhổ răng
Với những trường hợp như vậy, đừng tìm cách tự khắc phục tại nhà vì bạn có thể tự mình làm trầm trọng hơn các biến chứng sau nhổ răng. Hãy sắp xếp 1 cuộc hẹn với bác sĩ nha khoa càng sớm càng tốt để được thăm khám và điều trị triệt để.
5/ Lưu ý về cục máu đông bên trong lỗ nhổ răng
Thông thường, lỗ sau khi nhổ răng khôn sẽ xuất hiện một cục máu đông (theo cơ chế đông máu tự nhiên). Cục máu đông này có vai trò rất quan trọng bao gồm:
+ Giúp cầm máu và giảm đau đớn hiệu quả.
+ Bảo vệ vùng xương, cơ, mô và hệ thống dây thần kinh bên dưới.
+ Là nền tảng cho sự phát triển của xương mới và hình thành mô mềm bên trên.
+ Bảo vệ ổ răng khỏi tình trạng viêm ổ răng khô nguy hiểm.
Chính vì những công dụng này, bạn đừng cố tác động đến cục máu đông này hay làm vỡ chúng. Việc khạc nhổ cũng có thể ảnh hưởng đến cục máu đông này, khiến chúng bị vỡ ra và dẫn đến tình trạng viêm ổ răng khô (viêm xương ổ răng).
Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn biết thêm những thông tin cần thiết liên quan đến lỗ sau khi nhổ răng khôn. Mọi thông tin liên quan đến dịch vụ nha khoa, bạn vui lòng liên hệ đến hotline 024.3747.8292 để được tư vấn cụ thể nhất.