Chảy máu chân răng là tình trạng thường gặp ở mọi lứa tuổi, nó là cảnh báo cho những bất thường trong khoang miệng và thậm chí là cả sức khỏe. Nếu bạn cũng đang đối mặt với tình trạng này, đừng bỏ qua bài viết dưới đây!
I. Tại sao xảy ra tình trạng chảy máu chân răng?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu chân răng, có thể nói đó vừa là nguyên nhân vừa là mối đe dọa tiềm ẩn mà chân răng bị chảy máu chính là biểu hiện đầu tiên. Thông thường, bác sĩ sẽ chia thành 2 nhóm nguyên nhân cụ thể:
- Nguyên nhân do răng miệng
🔸 Một số bệnh lý răng miệng
Tình trạng chảy máu ở vùng lợi dưới chân răng là một trong những biểu hiện đầu tiên của một số bệnh răng miệng, phổ biến nhất là viêm nướu và viêm nha chu. Vùng nướu (lợi) đặc biệt nhạy cảm và khi chúng yếu đi do sự tấn công bởi vi khuẩn thì chỉ cần một tác động rất nhỏ cũng có thể gây nên hiện tượng chảy máu.
Bạn hãy quan sát kỹ vùng lợi của mình, nếu thấy các dấu hiệu đi kèm với tình trạng chảy máu chân răng như lợi đổi màu đỏ sậm, đau nhức, hơi thở có mùi hôi khó chịu và thậm chí là đi kèm với chảy mủ thì bạn nên đến nha khoa kiểm tra càng sớm càng tốt.
🔸 Thói quen chải răng
Có đến 60% người dân Việt Nam vẫn chải răng sai cách mỗi ngày và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chân răng bị chảy máu, mòn men răng và một loạt bệnh lý nguy hiểm khác. Việc chải ngang thân răng bằng lực quá mạnh trong thời gian dài sẽ khiến răng phải chịu áp lực lớn và vùng lợi cũng có thể bị ảnh hưởng.
🔸 Va đập tại vùng chân răng
Khó có thể tránh được những va đập trong quá trình sinh hoạt thường ngày. Việc va đập ở vùng gần với khuôn hàm có thể dẫn đến vỡ mẻ, lung lay răng hoặc dập nát, chảy máu ở vùng nướu. Nếu những vết va đập gây dập nát ở vùng nướu không được chăm sóc đúng cách, bạn có thể sẽ đối mặt với tình trạng nhiễm trùng rất nguy hiểm.
- Nguyên nhân do cơ thể
🔸 Cơ thể bị thiếu chất
Nhiều nghiên cứu cho rằng, nếu cơ thể thiếu vitamin C và K sẽ thường xuyên phải đối mặt với tình trạng chảy máu chân răng. Hai nhóm Vitamin này đều là yếu tố quan trọng trong quá trình đông máu của cơ thể.
🔸 Sự thay đổi của cơ thể trong từng giai đoạn
Điều này thường xảy ra nhiều nhất ở phụ nữ mang thai hoặc trong thời kỳ có kinh nguyệt, đây đều là những giai đoạn nội tiết tố (hormone) trong cơ thể thay đổi thất thường và khiến vùng lợi trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết.
🔸 Do bệnh lý cơ thể
Nói một cách khác, chân răng bị tổn thương là biểu hiện của một số bệnh lý như tiểu đường, ung thư máu, xuất huyết giảm tiểu cầu, gan, thận… Chính vì thế, nếu thấy chảy máu thường xuyên xảy ra bạn cũng nên quan sát những dấu hiệu đi kèm để nhận biết bệnh và có cách điều trị phù hợp.
II. Phải làm gì để điều trị chảy máu ở chân răng?
Nguyên tắc điều trị mọi bệnh lý là dựa vào nguyên nhân gây bệnh và việc điều trị chảy máu chân răng cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó. Cách tốt nhất là bạn cần quan sát những dấu hiệu đi kèm với chảy máu ở vùng chân răng, sau đó thông báo với bác sĩ điều trị để xác định nguyên nhân cụ thể.
▶️ Hãy đến gặp bác sĩ nha khoa khi thấy các triệu chứng đi kèm chảy máu ở chân răng bao gồm: đau nhức quanh răng, lợi sưng đỏ, thân răng xuất hiện vệt đen trắng bất thường, miệng có mùi hôi khó chịu và đặc biệt có rất nhiều cao răng xuất hiện trên thân răng hay dưới nướu.
▶️ Hãy đến gặp bác sĩ đa khoa khi thấy các biểu hiện bất thường trong cơ thể đi kèm với hiện tượng chân răng bị chảy máu như cơ thể mệt mỏi kéo dài, giảm cân nhanh, dễ bị chảy máu hay bầm tím ở những vùng khác trên cơ thể…
LƯU Ý: Tuyệt đối không nên mua các loại thực phẩm chức năng hay thuốc chữa bệnh dùng tại nhà khi chưa được chỉ định của bác sĩ có chuyên môn. Mọi điều trị không có kế hoạch đều dẫn đến những biến chứng khó lường.
III. Xây dựng thói quen tốt để ngăn chặn chảy máu vùng chân răng
Kết hợp với việc điều trị chuyên môn, bạn cũng cần xây dựng cho mình những thói quen tốt để đẩy nhanh quá trình điều trị và ngăn tình trạng này quay trở lại. Một số lời khuyên dành cho bạn:
✔️ Ngoài việc chải răng đủ 2 lần/ngày, hãy kết hợp cả những sản phẩm chăm sóc răng miệng tối ưu như chỉ nha khoa, tăm nước, nước súc miệng chuyên dụng để làm sạch hoàn toàn khoang miệng.
✔️ Cân bằng chế độ dinh dưỡng, bổ sung thêm vitamin C và K cho cơ thể thông qua đồ ăn hàng ngày, nếu dùng những loại vitamin này ở dạng thuốc, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh dùng sai liều lượng.
✔️ Hạn chế tối đa các đồ ăn thức uống gây kích ứng trong khoang miệng như đồ uống có gas, đồ ngọt, đồ ăn bám dính, nhiều mảnh vụn…
✔️ Chủ động trong việc thăm khám và lấy cao răng định kỳ ít nhất là 2 lần/năm để kịp thời phát hiện, điều trị các bệnh lý sớm nhất có thể.
Chảy máu chân răng cần được điều trị càng sớm càng tốt, tình trạng này nếu kéo dài sẽ gây ra những rắc rối nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Để được tư vấn cụ thể về những vấn đề răng miệng đang gặp phải, bạn có thể liên hệ đến hotline 024.3747.8292, các chuyên gia nha khoa sẽ giúp bạn giải đáp chi tiết!