Tùy vào cơ địa mà những biểu hiện của viêm lợi ở trẻ em sẽ có sự khác nhau, tuy nhiên sự khác nhau này không quá lớn và phụ huynh có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường. Ngay khi cảm nhận hoặc nghi ngờ về bệnh thông qua các biểu hiện trong khoang miệng, phụ huynh cần đưa trẻ đến bác sĩ để có biện pháp khắc phục kịp thời.
1/ 5 biểu hiện của viêm lợi ở trẻ em thường gặp
100% trẻ em đều thích đồ ngọt, đồ ăn nhanh và trên 80% trong số đó thường được cha mẹ nuông chiều về sở thích ăn uống trong ít nhất khoảng 5 năm đầu đời – đây chính là lý do tại sao trẻ em thường là đối tượng dễ mắc các bệnh lý răng miệng, trong đó phổ biến nhất là viêm lợi.
Biểu hiện của viêm lợi ở trẻ em sẽ thể hiện rõ nhất qua những yếu tố sau:
+ Thay đổi màu sắc ở vùng lợi chân răng
Lợi khỏe mạnh sẽ có màu hồng nhạt hoặc đậm hơn một chút (tùy và sắc thái da của trẻ). Tuy nhiên, khi bắt đầu chịu sự tấn công của vi khuẩn thì màu sắc của lợi sẽ có sự thay đổi, ban đầu sẽ đậm màu hơn so với bình thường và bạn phải thật tinh ý mới nhìn ra được. Sau khi bệnh phát triển, bạn sẽ thấy màu của lợi đỏ gắt lên hoặc thâm đen lại tùy theo cơ địa của từng bé.
+ Sự nhạy cảm của lợi khi bị tác động
Bình thường, lợi sẽ khá rắn chắc và có độ đàn hồi nhất định khi dùng tay ấn vào. Khi bị bệnh, chúng sẽ trở nên mềm hơn và thậm chí là mềm nhũn. Nếu ăn nhai đồ lạnh hoặc đồ chua, trẻ có có hiện tượng bị buốt lợi, đặc biệt là còn có thể bị chảy máu.
Tình trạng chảy máu xảy ra nhiều nhất khi trẻ chải răng. Đây là một trong những biểu hiện của viêm lợi ở trẻ em thường gặp nhất.
+ Sự thay đổi chiều dài thân răng khi nhìn bằng mắt thường
Lợi bị viêm sẽ không bám sát và ôm chặt lấy thân răng như bình thường, chúng có chiều hướng ngả dần ra ngoài và tụt dần xuống phía dưới. Điều này khiến chân răng của trẻ bị lộ ra ngoài và khiến cho răng dài hơn bình thường khi quan sát bằng mắt thường. Nếu lợi tụt xuống quá sâu, răng sữa có ít điểm tựa sẽ trở nên lỏng lẻo và dễ dàng gãy rụng bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp thân răng bị ngắn lại do phần lợi sưng trồi lên cao, phần sưng sẽ lan dần xuống phía dưới đỉnh răng và bao phủ gần như toàn bộ thân răng.
+ Mùi hơi thở thay đổi bất thường
Viêm nhiễm không chỉ gây đau nhức thông thường mà còn khiến mùi hơi thở của bé bị thay đổi. Trong trường hợp viêm xuất hiện kèm với mủ, mùi hôi miệng sẽ nặng hơn rất nhiều.
+ Trạng thái sinh hoạt hàng ngày của trẻ bị thay đổi
Khi bị viêm lợi, việc ăn nhai của bé khó khăn hơn nên thời gian cho 1 bữa ăn cũng sẽ bị kéo dài. Bé sẽ thường xuyên cảm thấy khó chịu, quấy khóc và thậm chí còn bỏ bữa khiến sức khỏe cũng theo đó mà sụt giảm.
Trong nhiều trường hợp, việc viêm nhiễm ở vùng lợi còn là nguyên nhân khiến bé bị sốt trong thời gian dài.
2/ Phụ huynh cần làm gì khi trẻ bị viêm lợi?
Việc nhận biết được những biểu hiện của viêm lợi ở trẻ em là rất cần thiết để điều trị sớm, trước khi bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm như mất răng hoặc nhiễm trùng máu. Chưa kể đến, việc kéo dài thời gian điều trị còn khiến trẻ phải “sống chung” với cảm giác đau nhức trong thời gian dài, gây ra áp lực tâm lý với trẻ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Khi phát hiện những dấu hiệu đầu tiên của viêm lợi, phụ huynh cần kiểm soát lại chế độ ăn nhai và vệ sinh răng miệng hàng ngày của trẻ, sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến trung tâm nha khoa để được bác sĩ thăm khám và đưa ra chỉ định cụ thể.
Ở giai đoạn đầu khi bệnh mới phát triển, bác sĩ chỉ cần làm sạch cao răng kết hợp với sát trùng trong khoang miệng là đã có thể giúp bé thoát khỏi tình trạng viêm lợi triệt để mà không cần dùng thêm kháng sinh.
Tuy nhiên, nếu tình trạng của bé đã nặng hơn thì việc dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm là bắt buộc để vùng viêm nhiễm không lan rộng sang các vùng lợi khỏe mạnh khác. Việc dùng thuốc không thể bừa bãi và cần tuân thủ nghiêm ngặt theo các chỉ định của bác sĩ nha khoa.
Trước khi đưa bé đến nha khoa thăm khám, bạn cần “làm công tác tư tưởng” cho bé, giúp bé không quá lo lắng với các khí cụ trong phòng khám thông qua một vài câu chuyện hoặc món đồ chơi hàng ngày. Đây là yếu tố quan trọng để bé có thể hợp tác với bác sĩ và không quấy khóc trong suốt quá trình nằm trên ghế nha khoa.
Lưu ý: Sau khi điều trị khỏi bệnh viêm lợi, trẻ vẫn có nguy cơ bị bệnh thêm một lần nữa nếu phụ huynh tiếp tục chủ quan trong vấn đề chăm sóc răng miệng cho bé.
Những biểu hiện của viêm lợi ở trẻ em có thể khó phát hiện trong giai đoạn đầu và dễ nhẫm lẫn với những bệnh lý khác. Chính vì thế, bạn nên thực hiện đưa bé đến nha khoa thăm khám răng định kỳ 3 – 6 tháng/lần để bác sĩ chuyên môn có thể kịp thời phát hiện và khắc phục các vấn đề phát sinh trong khoang miệng của trẻ nếu có.