Viêm nha chu ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí mất răng hoàn toàn. Vậy nguyên nhân của bệnh là gì và làm thế nào để nhận biết sự xuất hiện của chúng trong khoang miệng trẻ?
1/ Nguyên nhân gây viêm nha chu ở trẻ em
Viêm nha chu là tình trạng bệnh lý liên quan trực tiếp đến các bộ phận quanh thân răng, chúng phát triển từ viêm nướu sau đó lan dần xuống những phần khác trong hệ thống nha chu bao gồm xương ổ răng, xương răng và dây chằng quanh răng.
Trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh răng miệng nhất hiện nay. Bên cạnh sâu răng, viêm nha chu ở trẻ em cũng là một tình trạng đáng lo ngại khi nguyên nhân gây ra nó rất phổ biến và hầu như đứa trẻ nào cũng có nguy cơ mắc phải.
Những nguyên nhân gây ra viêm nha chu bao gồm:
+ Vệ sinh răng miệng sai cách
Đa số trẻ đều không thích việc phải thực hiện vệ sinh răng miệng mỗi ngày, chúng thường có tư tưởng trốn việc đánh răng hoặc đánh răng một cách “chống đối”. Ngoài ra, một số phụ huynh không hướng dẫn trẻ đánh răng đúng cách, chúng thường chải ngang thân răng hay chải quá mạnh gây tổn thương đến vùng lợi.
Tất cả hành động vệ sinh răng miệng sai cách đều khiến cho men răng trẻ bị tổn thương và tạo điều kiện để vi khuẩn tấn công gây bệnh.
+ Chế độ ăn uống không khoa học
Đồ ngọt, đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, nước ngọt có gas… đều là món khoái khẩu của trẻ và đồng thời cũng là những tác nhân trực tiếp dẫn đến các bệnh răng miệng. Những trẻ có thói quen ăn đêm, ngậm đồ ăn hay đồ uống thường có khả năng mắc bệnh răng miệng cao hơn rất nhiều so với những trẻ có chế độ ăn uống khoa học.
+ Vùng nướu răng còn yếu ớt
Không chỉ nướu răng mà toàn bộ hệ thống nha chu của trẻ đều rất yếu, không có hoặc ít có khả năng chống chọi lại sự tấn công của vi khuẩn gây bệnh.
+ Sự chủ quan của cha mẹ
Đây có lẽ là khởi nguồn của mọi bệnh lý răng miệng ở trẻ, không riêng gì viêm nướu răng. Khi cha mẹ không chú ý đến việc vệ sinh răng miệng hàng ngày của trẻ, không quản lý chế độ ăn uống và phớt lờ những dấu hiệu ban đầu của bệnh thì viêm nha chu sẽ xuất hiện và gây ra những biến chứng nguy hiểm.
2/ Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm nha chu
Vì viêm nha chu ở trẻ em thường phát triển từ bệnh viêm nướu thông thường, nên bạn cần nắm rõ những dấu hiệu của viêm nướu răng ban đầu để có thể kịp thời ngăn bệnh phát triển. Một số dấu hiệu dễ nhận biết bao gồm:
+ Nướu của trẻ chuyển từ màu hồng nhạt sang màu đỏ
+ Vùng nướu sưng to hơn bình thường
+.Cao răng xuất hiện ở trên thân răng và có thể lan xuống nướu
+ Trẻ thường bị chảy máu khi đánh răng và xuất hiện mùi hôi miệng khó chịu
+ Trẻ hay quấy khóc và chán ăn, ăn không ngon miệng
+ Phần lợi bị tụt xuống và chân răng bị lộ ra ngoài
+ Túi mủ hoặc túi nha chu xuất hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng
Về cơ bản, bạn nên duy trì cho bé lịch khám răng đều đặn 2 – 4 tháng/lần, tuy nhiên khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào như kể trên thì bạn cần đưa bé đến nha khoa ngay để điều trị dứt điểm. Việc điều trị sớm sẽ giúp bé bớt đau nhức, đồng thời cũng tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại và tài chính cho cha mẹ.
3/ Bệnh viêm nha chu ảnh hưởng như thế nào đến trẻ?
Viêm nha chu ở trẻ em gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và việc sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, nó còn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị sớm.
➤ Việc chảy máu khi đánh răng khiến trẻ sợ hãi, lâu dần có thể khiến chúng ác cảm với những biện pháp vệ sinh răng miệng cơ bản.
➤ Những cơn đau làm trẻ quấy khóc, luôn trong trạng thái mệt mỏi và có thể dẫn đến suy nhược cơ thể
➤ Ăn nhai bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trẻ chán ăn hoặc thậm chí ăn sai cách khi miệng quá đau làm hệ tiêu hóa và dạ dày phải chịu tác động
➤ Viêm nha chu ở trẻ đang thay răng khiến răng sữa bị rụng sớm sẽ làm mất vị trí định hình cho răng vĩnh viễn và khiến chúng mọc lệch lạc về sau.
➤ Viêm nha chu ở trẻ đã hoàn thành quá trình thay răng có thể gây mất răng vĩnh viễn, quá trình thay răng chỉ diễn ra 1 lần và việc mất răng ở giai đoạn này cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có bất cứ chiếc răng nào mọc thay thế nữa. Nếu không thực hiện trồng lại răng nhân tạo thì trẻ sẽ bị trống vị trí răng đó và đối mặt với nguy cơ tiêu xương răng trong tương lai.
Từ một bệnh lý răng miệng phổ biến, không gây quá nhiều ảnh hưởng ở giai đoạn đầu, bệnh có tốc độ phát triển khá nhanh và gây ra những biến chứng không ngờ đến chỉ trong một thời gian ngắn. Đây chính là lý do các chuyên gia nha khoa đều khuyên bạn nên thực hiện điều trị bệnh cho trẻ càng sớm càng tốt.
4/ Điều trị viêm nha chu ở trẻ em ra sao?
Viêm nha chu ở trẻ em cần được thăm khám cụ thể và mỗi trường hợp sẽ có phác đồ điều trị cụ thể, việc điều trị sẽ thường bắt đầu bằng việc lấy sạch toàn bộ mảng bám cao răng trên thân răng và dưới nướu, sau đó chấm các thuốc sát khuẩn, chống viêm để điều trị.
Nếu nhiễm trùng đã lây lan sang toàn bộ vùng nha chu, đồng thời với đó là sự xuất hiện của các túi nha chu hay túi mủ thì bác sĩ sẽ cần thực hiện tiểu phẫu để loại bỏ ổ vi khuẩn. Tùy vào từng trường hợp mà sẽ cần kết hợp điều trị kháng sinh trong những ngày tiếp theo.
Trường hợp viêm nha chu đã gây ảnh hưởng nhiều và không thể giữ lại răng cũ thì bác sĩ sẽ buộc phải nhổ bỏ răng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh sang những vị trí răng bên cạnh và cũng để việc điều trị thuận lợi hơn.
Cha mẹ cần phải thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách cho trẻ, hạn chế tối đa các thói quen ăn uống thiếu khoa học và đảm bảo “hợp tác” với bác sĩ trong toàn bộ quá trình điều trị. Bệnh đã được điều trị không có nghĩa là bệnh không tái phát, chính vì thế đừng chủ quan trong việc chăm sóc răng miệng cho bé.
Viêm nha chu ở trẻ em sẽ trở thành vấn đề lớn nếu bạn không đưa bé đến nha khoa kịp thời. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý trong khoang miệng có ý nghĩa rất lớn, giúp bé tránh được những biến chứng không mong muốn và phát triển khuôn hàm một cách thuận lợi nhất.
>> Xem thêm: Nhổ răng sữa cho trẻ và những sai lầm phụ huynh nào cũng mắc phải