Đánh răng xong vẫn hôi miệng là tình trạng nhiều người gặp phải và gây ra tâm lý lo lắng chung. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì và phải làm sao để khắc phục triệt để, ngăn hoàn toàn mùi hôi miệng quay trở lại?
1/ Về tình trạng đánh răng xong vẫn hôi miệng
Thông thường, mùi hôi miệng bộc phát sau khi bạn ăn những đồ ăn có mùi như tỏi sống, hành sống, cá tanh, đồ ngọt nhiều đường, đồ nhiều dầu mỡ, hút thuốc lá… Để loại bỏ mùi hôi khó chịu do thực phẩm gây ra khá đơn giản, bạn có thể nhai gum không đường, sử dụng nước súc miệng chuyên dụng hoặc đơn giản nhất là đánh răng.
Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp mùi hôi miệng kéo dài nhiều ngày và đánh răng xong vẫn hôi miệng, không thể áp dụng bất cứ biện pháp nào để làm giảm mùi khó chịu.
Thậm chí hôi miệng còn đi kèm với những biểu hiện khác như chảy máu, chảy mủ chân răng – những yếu tố tạo mùi tanh và khiến cho mùi hơi thở của bạn trở nên “đáng sợ” đối với người đối diện, ảnh hưởng lớn đến việc giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày.
Lúc này, đừng nghĩ hôi miệng chỉ do đồ ăn bạn vừa tiêu thụ và đánh răng không phải cách giải quyết vấn đề, bạn cần căn cứ vào những biểu hiện bất thường của cơ thể hoặc răng miệng để tự đoán bệnh của bản thân hoặc tìm đến phòng khám thích hợp.
2/ Nguyên nhân của tình trạng hôi miệng dai dẳng
Tình trạng đánh răng xong vẫn hôi miệng khiến nhiều người hoang mang, tuy nhiên đừng quá lo lắng vì chỉ cần tìm được nguyên nhân và thực hiện điều trị từ nguyên nhân đó thì hôi miệng sẽ tự động chấm dứt. Nguyên nhân của tình trạng hôi miệng có thể được nhận biết qua một số dấu hiệu cơ bản, cụ thể:
+ Viêm nướu: Hôi miệng đi kèm với biểu hiện khá rõ ràng bao gồm: phần nướu bị viêm có hiện tượng sưng đỏ, đau nhức, chảy máu khi đánh răng, cao răng xuất hiện nhiều. Khi bệnh phát triển gây ra viêm nha chu còn dẫn đến hiện tượng hình thành túi nha chu chứa mủ và khiến mùi hôi miệng càng khó chịu hơn.
+ Sâu răng: Bạn có thể nhận biết bệnh thông qua dấu hiệu hôi miệng đi kèm với tình trạng đổi màu trên thân răng, xuất hiện những chấm màu trắng sữa đục khi sâu nhẹ và chuyển màu đen khi bệnh phát triển. Lâu dần, thân răng sẽ xuất hiện những lỗ hổng do bị vi khuẩn “ăn”.
+ Viêm xoang: những dấu hiệu viêm xoang thường đi kèm với hôi miệng bao gồm nghẹt mũi, giảm khứu giác, dịch mũi chảy xuống họng, ho và có thể đi kèm sốt.
+ Bệnh dạ dày: viêm loét dạ dày hay trào ngược dạ dày đều khiến hôi miệng và làm giảm vị giác trầm trọng. Bên cạnh đó, bạn còn nhận ra bệnh qua những biểu hiện như ợ chua, ợ hơi, đau thượng vị hoặc bị chảy máu tiêu hóa.
Ngoài những nguyên nhân trên, hôi miệng còn có thể xuất phát từ những nguyên nhân như tình trạng khô miệng, ăn nhiều đồ ăn có mùi trong thời gian dài nhưng không vệ sinh đúng cách, sự thay đổi lượng hormone trong cơ thể…
3/ Phải làm sao để xử lý dứt điểm hôi miệng?
Nguyên tắc cơ bản để điều trị triệt để tình trạng hôi miệng là dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Hãy đến nha khoa nếu bạn có các triệu chứng liên quan đến bệnh răng miệng và đánh răng xong vẫn hôi miệng, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám trực tiếp và tư vấn cho bạn kế hoạch điều trị cụ thể.
Nếu liên quan đến các bệnh răng miệng, thông thường bác sĩ sẽ thực hiện làm sạch cao răng trước, sau đó mới tiến hàng các bước điều trị liên quan. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ có biện pháp phù hợp.
Nếu mùi hôi không xuất phát từ các nguyên nhân trong miệng hoặc sau khi can thiệp nha khoa mà tình trạng hôi miệng vẫn tiếp diễn thì người bệnh cần thăm khám các chuyên khoa khác như tai – mũi – họng, tiêu hóa, tiết niệu… để có can thiệp xử trí phù hợp. Chỉ cần điều trị dứt điểm bệnh, mùi hôi miệng cũng sẽ tự động chấm dứt.
Kết hợp với việc điều trị, bạn cũng nên chú ý đến chế độ ăn uống và vệ sinh răng miệng hàng ngày để mùi hôi miệng nhanh chóng biến mất và ngăn chúng có thể quay trở lại làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn.
Đừng để tình trạng đánh răng xong vẫn hôi miệng kéo dài, bạn hoàn toàn có thể nhận ra những bất thường đi kèm và nhờ sự trợ giúp của các bác sĩ để thoát khỏi tình trạng này trong thời gian ngắn nhất!